Những ai đã từng đến, đều phải công nhận rằng ngôi nhà của tôi chẳng khác cái nhà kho là mấy , nhỏ và chật vì chứa lắm các của linh tinh, đa số là các thứ để phục vụ cho cái sự ưa nấu nướng, hay mạy mọ của tôi. Đây: dưới gầm cầu thang là cái máy bào dừa, trên chiếc bàn bên là cái máy nhồi bột, rồi máy cán bột, máy đánh trứng, máy ép rau củ, còn treo lủng lẳng trong các túi lớn ở góc cầu thang, trên kệ, hộc tủ là cả lô lốc khuôn nhôm làm bánh, khuôn đông sương, khuôn nhận xôi, các loại douille nặn kem, khuôn pâte chaud, khuôn bánh tarte, nồi áp suất, máy quay kem, máy xay thịt ...nói chung bất cứ cái gì từ nhỏ đến to mà dính líu đến sự nấu nướng, trong khoảng vài năm trời, tôi vui vẻ móc hầu bao nên quân số cứ mỗi ngày mỗi đông, nằm rải rác linh tinh ở khắp mọi nơi trong nhà chẳng theo một sự sắp xếp nào cả, cần đến cái gì tôi phải động não xem nó nằm ở đâu, nếu tìm hoài không ra thì phát lệnh truy nã, biết làm sao bi giờ, nghệ sĩ mờ lị!
Nghe có vẻ hoành tráng làm vậy nhưng thực ra, những món ăn tôi khoái khẩu nhất lại là những món thật bình thường, đơn giản..., và tôi tin rằng những ai thích nấu ăn sẽ tìm thấy nhiều điều thú vị nho nhỏ tại gian Bếp Lọ Lem này, cùng những "chiện thiệt chăm phần chăm" thượng vàng hạ cám, tây tàu nội ngoại đều có thể chia sẻ tất cả ở đây, nào, một hai ba chúng ta cùng sáng tạo!
Đúng với tinh thần cây nhà lá vườn, buồn buồn lôi ra món gì, tôi lấy máy cụp cụp vài kiểu, hình ảnh không được "bờ rồ" lắm, có sao post vậy, kèm công thức thật tỉ mỉ, rõ ràng, ai có thắc mắc mời comment liền ...
Đậu hũ (tàu hũ nước đường, đậu non, tào phớ...)
Cách đây độ 3 năm, một hôm cậu út nhà tôi thấy ngây ngấy sốt, nhức đầu, nhạt mồm đắng miệng, cậu phán "con thèm ăn đậu hũ quá!" Tôi xách xe chạy vòng vòng các ngả, lúc ấy tôi nhớ độ 4 đến 5 giờ chiều, chạy tới chạy lui hết đường này qua đường nọ, cố tìm cho ra gánh đậu hũ nhưng cuối cùng đành phải tiu ngỉu quay về, định vào nhà an ủi thằng bé bằng món gì khác, nhưng cu cậu nghe vậy thì gào lên rồi khóc hù hụ như cha chết "Trời ơi, thèm đậu hũ lắm, con phải ăn ngay bây giờ ...", chèn ơi, đâu phải mấy bà chửa ốm nghén đâu mà thèm bất tử cỡ đó! Vài ngày sau tôi quyết định khăn gói đi tìm bà bán đậu hũ xin thọ giáo, nhờ vậy, tính đến nay số lần làm món này cũng ngót nghét bằng số tuổi tôi chứ không ít
Theo tôi biết, ở miền Bắc món này có tên là tào phớ, khác với món đậu hũ ở chỗ tào phớ được ăn lạnh với đá rưới nước đường thắng nhưng không bỏ gừng.
Ở SG, gánh đậu hũ có kèm theo nồi nước cốt dừa, hớt đậu vào chén rồi chế nước cốt dừa nóng lên mặt, nhưng tôi thì chỉ thích món đậu hũ truyền thống, ăn nóng chế nước đường thắng keo với vài ba lát gừng vàng ruộm, thật ấm lòng vào những buổi chiều mùa đông...
Nguyên liệu:
Để làm 2 chén đậu (đầy) cần có:
-100grs đậu nành khô (ngâm nước lạnh 8 tiếng)
-1/2 thìa canh bột gạo (loại bột cao cấp đóng gói bán sẵn)
-100grs đường cát hơi vàng.
-1 nhánh gừng.
-1 mớ lá dứa.
-1/3 thìa cafe thạch cao phi.
-800gr nước lạnh.
Vật dụng:
-1 thùng đựng đá nhỏ loại 3 lít trở lại, ngày xưa người ta dùng thùng bằng sành, quấn xung quanh nhiều lớp vải để giữ nhiệt, thùng đựng đá bây giờ giữ nhiệt được lâu, nhẹ nhàng và tiện lợi hơn. Nếu bạn nấu nhiều hơn 300gr đậu thì phải dùng thùng lớn tương ứng.
-Máy xay sinh tố (blender) loại tốt, nếu dùng máy yếu, xay đậu không nát, không lấy được hết tinh bột.
-1 túi vải cotton chữ nhật miệng rộng 20cm dài 30cm
-1 cái muỗng nhôm mỏng, rộng miệng, đáy cạn dùng để hớt đậu ra chén.
Thạch cao phi:
Để chuẩn bị cho món đậu hũ, bạn cần có thạch cao phi, mua ở sạp hàng khô, nếu không có thạch cao phi ( là thạch cao đã tán nhuyễn, mịn và trắng tựa như bột) họ bán cho bạn thạch cao miếng, trông giống như miếng đường phèn, dùng chày đập ra cho hơi nhỏ bằng đầu ngón tay, dùng nồi dày đặt lên bếp cho nóng nồi, để lửa vừa, bỏ thạch cao vào lấy đũa rang đều cho thạch cao chín, đục dần, khi thấy thạch cao đã trắng đục hoàn toàn thì cho xuống, dùng chày giã ngay lúc còn nóng cho thạch cao mịn nhỏ, nếu có bỏ vào máy xay nhỏ, xong rây lại, lấy phần mịn nhất, phần xác nằm trên rây bỏ đi, mua khoảng 1000 đồng bạn dùng được vài năm.
Cách làm:
-Đậu ngâm đủ thời gian, nhặt bỏ toàn bộ hạt đậu hư, thâm đen, những hạt đậu hư nếu để lại sẽ làm mất mùi thơm của đậu, cho đậu vào rá tre, chà mạnh tay cho mầm đậu và vỏ tróc ra, hạt đậu bể làm đôi, cho rá vào chậu nước đầy, đãi vỏ, rửa sạch để ráo.
-Cân 800gr hoặc đong 800ml nước, lấy 1/2 nước và 1/2 đậu cho vào máy xay sinh tố, đậy nắp lại và xay cho đến khi đậu mịn như bột, trút vào túi vải để sẵn trong một cái nồi hoặc thau, xay nốt chỗ đậu còn lại tương tự như lần trước rồi trút cả vào túi, túm miệng túi lại để vắt hết nước cốt đậu, nếu sợ bã đậu còn sót hãy lược lại thêm một lần nữa bằng một túi vải khác, hoặc qua miếng vải lót trên rây, bảo đảm nước đậu được thật sạch bã, làm đến đây ta đã có sữa đậu nành chưa nấu chín rồi.
-Lấy chén ăn cơm đong đầy 1 chén sữa sống (1/3 sữa), cho thạch cao và bột gạo vào hòa đều, rây lại và trút vào thùng đá để sẵn.
-Bắc nồi sữa lên bếp, nhớ dùng nồi to gấp 5 lần số sữa vì khi sôi rất dễ bị trào, dùng đũa bếp khuấy luôn tay cho đến khi sôi, hạ bớt lửa, cho bó lá dứa rửa sạch vào và để sôi liu riu thêm vài phút cho chín hẳn, khi mùi đậu và mùi lá dứa thơm rồi thì tắt bếp, đem vớt lá dứa ra, vớt sạch bọt, trút ào nhanh tay vào thùng đá có để sẵn nước đậu, hớt bỏ lớp bọt trên mặt rồi đậy nắp, không động vào thùng, chờ 20' sau đậu đông.
Thắng nước đường:
Gọt vỏ nhánh gừng, bào mỏng, lấy 100gr đường/50 gr nước cho vào nồi con, bỏ gừng bào, chút xíu muối, khuấy tan đường rồi bắc lên bếp lửa nhỏ, khi nước đường sôi rồi không khuấy nhiều đường sẽ bị lại, sau đó tắt lửa.
Lưu ý:
1. Khi đổ sữa đậu chín vào thùng, để sữa chín trộn với sữa sống, bạn đổ ào nhanh tay không được ngập ngừng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng đậu.
Yêu cầu: Đậu trắng, thơm, mềm mà không nát, hớt ra chén mặt đậu rung rinh, bóng mướt. Nước đường thắng dẻo và quyện mùi gừng
Bạn có phải là người thích nấu nướng?
- Rất thích
- 2
- Chỉ những lúc thực sự rảnh rỗi
- 1
- Cần gì cứ ra tiệm cho mau thấy !
- 0
Sign in to vote